




|
Chi tiết tin
Phát huy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, thời gian qua, cán bộ, hội viên nông dân xã Lương Hòa Lạc huyện Chợ Gạo đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, chủ động thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, ngày càng nhân rộng những điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi.
Trong đó, có nhiều nông dân luôn chủ động tìm hiểu, mạnh dạn thực hiện nhiều mô hình cây trồng, con giống mới trên phần đất của gia đình đạt hiệu quả kinh tế, cho thấy sự sáng tạo, tìm tòi của nông dân huyện Chợ Gạo trong phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, có mô hình trồng cây măng tây của nông dân Nguyễn Chí Hiếu, ngụ ấp Lương Phú A và mô hình nuôi lươn không bùn của nông dân Đặng Văn Lê, ngụ ấp Lương Phú C xã Lương Hòa Lạc.
Sau khi tham quan, học hỏi mô hình trồng măng tây tại huyện Gò Công Tây, tháng 7 năm 2020, ông Nguyễn Chí Hiếu ngụ ấp Lương Phú A xã Lương Hòa Lạc huyện Chợ Gạo trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ, bước đầu mang lại hiệu quả cao hơn so với rau màu khác mà ông đã từng trồng, vì thế ông đã quyết định trồng 9.500 gốc cây măng tây trên diện tích 4.700m2.
Ông Hiếu cho biết, cây giống măng tây trước khi đem trồng được ông ương từ hạt trong bầu khoảng 3 tháng. Khi cây cao khoảng 3 tất đến 4 tất, đem trồng trên các luống đất đã cải tạo. Cây trồng theo hàng, hàng cách hàng một mét và cây cách cây khoảng 5 tất, do thân cây mềm, nên sau một tháng trồng phải làm giá đỡ cho cây khỏi ngã. Sau 5 đến 6 tháng, khi măng tây mọc lên khỏi mặt đất đến lúc thu hoạch khoảng 2 đến 3 ngày, khi đó cây có chiều dài khoảng 50cm, chỉ cắt lấy phần ngọn khoảng 30cm. Với giá 80.000 đồng đến 130.000 đồng/kg, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây rau màu truyền thống khác, có thể cắt bán mỗi ngày trong suốt thời gian thu hoạch.
Măng tây thu hoạch liên tục hàng ngày trong suốt ba tháng, nếu chăm sóc tốt thì tuổi thọ của cây măng kéo dài đến 12 năm. Với giá bán ổn định, sau thời gian chuyển đổi từ trồng rau màu sang trồng măng tây kinh tế gia đình ông Nguyễn Chí Hiếu ổn định hơn. Bên cạnh đó, khi đặt cây măng tây xuống thì ông Hiếu còn ương và trồng thêm hẹ hột lấy ngắn nuôi dài để tăng thêm thu nhập, hẹ khoảng 4 tháng rưỡi là cho thu hoạch, đến nay ông đã thu hoạch được 5 lứa hẹ, mỗi lần thu hoạch khoảng 300 kg, với giá 20.000 đồng/kg.
Một điển hình khác là mô hình nuôi lươn không bùn hay còn gọi là nuôi lươn trong hồ xi măng của anh Đặng Văn Lê, ngụ ấp Lương Phú C. Cách đây 3 năm, qua tìm hiểu, anh Lê nhận thấy mô hình nuôi lươn không bùn phù hợp với gia đình, nên anh Lê quyết định xây hồ nuôi lươn không bùn. Lứa đầu tiên, anh chọn mua 3000 con lươn giống ở tỉnh Vĩnh Long, thả nuôi trong 03 hồ. Sau 10 tháng nuôi anh, anh Lê thu trên 01 tấn lươn thương phẩm, bán cho thương lái với giá 115.000 đồng/kg, trừ chi phí anh thu lãi 21 triệu đồng. Vì là lần đầu nuôi, kinh nghiệm chưa nhiều nên anh phải lấy nguồn lươn giống ngày tuổi lớn với giá cao đến 4.000 đồng/con nên lãi chưa cao. Đến đợt thứ 2 khi có kinh nghiệm nhiều hơn, anh lấy lươn bột, chi phí giảm hơn 50% nên theo anh dự tính với 20.000 con lươn 4 tháng tuổi hiện nay khi đến thu hoạch sẽ cho nguồn thu cao hơn gấp nhiều lần so với đợt đầu tiên.
Lươn được anh Lê ươm nuôi một thời gian trong các hồ nhỏ trước khi đưa ra hồ lớn để nuôi thương phẩm. Đặc tính của lươn là thích trú ẩn nên anh Lê sử dụng các chùm dây nhựa để làm tổ ở mỗi hồ nuôi. Hồ nuôi lươn được anh Lê thiết kế đáy có độ dốc, có hệ thống đường ống lấy nước và thoát nước ra bên ngoài để thuận tiện trong việc thay nước trong hồ nuôi lươn. Mỗi ngày anh Lê thay nước và cho lươn ăn 2 lần một ngày sau khi thay nước xong, chủ yếu là thức ăn công nghiệp dành cho lươn.
Mô hình nuôi lươn không bùn không đòi hỏi nhiều diện tích, giúp người nuôi tiết kiệm chi phí thức ăn, phù hợp với các hộ ít đất sản xuất, hiệu quả kinh tế khá ổn định lại có thể làm thêm các công việc khác. Chính vì thế, bên cạnh việc chăm sóc các hồ nuôi lươn, anh Lê còn tận dụng thời gian còn lại mở quán giải khát nhỏ phía trước phần đất nuôi lươn cạnh nhà, vừa thuận tiện chăm sóc nhà cửa, vừa có thêm thu nhập từ việc kinh doanh nước giải khát mỗi ngày.
Ông Đoàn Thanh Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Hòa Lạc cho biết thêm: Mô hình trồng cây măng tây và mô hình nuôi lươn là hai mô hình mới tại địa phương. Tuy nhiên, bước đầu cho thấy hiệu quả, thể hiện tính chủ động, không ngại khó, ngại khổ của người nông dân luôn tìm hiểu mô hình mới, phù hợp với điều kiện gia đình, trong phát triển kinh tế, thể hiện cách nghĩ, cách làm mới của người nông dân, luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Bình Yên - Khánh An






