




|
Chi tiết tin
Thời gian qua, nghề đan lát, lục bình không chỉ đem lại nguồn thu nhập cho nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ lúc nhàn rỗi, mà còn giúp nhiều gia đình có cuộc sống ổn định hơn.
Chị Nguyễn Thị Kim Loan, ngụ ấp Tân Ninh xã Xuân Đông đã có gần 30 năm gắn bó với nghề đan lát, lục bình. Chị đã đem lại công ăn việc làm cho khoảng 70 chị em phụ nữ trong xã. Dù nghề đan lát, lục bình đã trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống nhưng chị Kim Loan vẫn tâm huyết, vẫn luôn nặng lòng với nghề.
Ban đầu, chị Loan tìm hiểu, học hỏi nghề đan lát tại một cơ sở ở Thành phố Mỹ Tho, rồi đan gia công tại cơ sở đã học để có thu nhập cho gia đình. Nhờ sự khéo léo tỉ mỉ, chịu khó học hỏi của mình, chị đã làm thông thạo rất nhiều sản phẩm đa dạng, sau đó chị được mời lên dạy lại nghề tại các cơ sở đan lát của tỉnh Long An.
Khi lập gia đình, chị Loan nhận hàng về nhà làm tại ấp Tân Ninh để thuận tiện cho việc chăm sóc chồng, con. Nhận thấy nhu cầu có việc làm thêm để tăng thu nhập của nhiều người, chị Loan đã nhận thêm hàng rồi chỉ lại cho chị em hội viên phụ nữ và người dân tại địa phương. Hiện nay, cơ sở của chị có khoảng 50 chị em hội viên phụ nữ, bà con đến nhận hàng về làm.
Chị Phạm Thu Vân, ngụ ấp Tân Ninh đã có nhiều năm gắn bó với nghề đan lát, lục bình, theo chị nghề đan lục bình tuy không vất vả, cực nhọc nhưng đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay và phải kiên trì. Lúc nào chị ngồi suốt để đan thì một tháng kiếm được khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu đồng. Còn lúc nào kẹt công việc quá thì cũng kiếm được khoảng 1 triệu đồng. Được cái là vừa làm việc nhà vừa đan cũng được, lúc nào rảnh là làm nên rất thuận tiện. Chị Phạm Thu Vân cho biết thêm: “Gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn, không đất sản xuất, tôi lại giữ cháu nhỏ. Cũng may nhờ đan lát tại cơ sở của chị Loan, nên tôi có đồng ra đồng vô, tôi rất mừng”.
Nhờ cơ sở đan lục bình của chị Kim Loan mà chị em trong ấp, trong xã kiếm thêm được tiền điện, tiền nước, tiền cho con đi học và thuận tiện cho việc chăm sóc gia đình, nên chị em rất phấn khởi. Có nhiều người kẹt con nhỏ hay lớn tuổi, khó khăn đi lại chị Loan còn đem vật liệu tới tận nhà. Khi nào những chị em đó làm xong thì chị lại đến tận nhà để lấy.
Kỹ thuật đan lục bình cũng đơn giản lại tiện lợi không phụ thuộc giờ giấc nên chị em có thể tranh thủ đan bất cứ lúc nào. Nếu đan thành thạo, một người có thể làm rất nhiều sản phẩm vào thời gian rảnh trong ngày, tùy theo mẫu sản phẩm và thời gian làm mà chị em có thêm nguồn thu nhập từ 01 triệu đồng đến 2 triệu đồng mỗi tháng.
Công việc nhẹ nhàng, chỉ cần bàn tay khéo léo nên phù hợp với người lớn, trẻ nhỏ, nhất là phụ nữ nông thôn. Hiện nay, toàn xã Xuân Đông có 2 cơ sở đan lát, đan lục bình, giải quyết khoảng 150 lao động nông thôn nhàn rỗi.
Chị Nguyễn Thị Kim Loan, ngụ ấp Tân Ninh xã Xuân Đông cho biết: “Nghề đan lục bình có thể là nguồn thu nhập phụ của người này nhưng lại là nguồn thu nhập chính của nhiều người khác. Chính vì thế, dù nghề đan lát, đan lục bình có trải qua bao thăng trầm nhưng tôi vẫn quyết giữ lại, không chỉ giúp chị em có thu nhập mà đó còn là cái nghiệp mà tôi gắn bó mấy chục năm nay”.
Với người chủ cơ sở như chị Loan cũng có bao buồn vui, khó khăn, vất vả nhưng chị vẫn duy trì. Niềm vui nhất của chị Kim Loan là mỗi ngày cơ sở đan lục bình của chị luôn được mọi người gắn bó, đoàn kết tương trợ nhau trong cuộc sống, để cơ sở của chị thật sự có ý nghĩa, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Công Hưởng - An Khương






